I. Bệnh thuỷ đậu là gì?
Bệnh thủy đậu (trái rạ) do virus gây ra, thường xuất hiện vào mùa hè , hay gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với virus qua nước bọt, dịch tiết mũi hoặc dịch từ các nốt phỏng vỡ ra.
-Khởi phát: Người bệnh có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước.
-Khi phát bệnh: Cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ” – nốt ban phỏng nước. Những nốt này có đặc điểm là nốt nhỏ tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước, dịch trong, thường hay ngứa, có thể mọc khắp toàn thân.
Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày, trẻ em phải nghỉ học khi bị bệnh này.
II. Cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu
Khi trẻ bị thủy đậu cần được phát hiện sớm, cách ly để tránh lây lan và cần chăm sóc đúng cách tránh những biến chứng của bệnh. Bệnh thuỷ đậu đôi khi gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan,… thậm chí tử vong. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu:
-Đầu tiên là gia đình nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Trẻ cần nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời. Thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.
-Ai tiếp xúc với trẻ bị thủy đậu đều phải đeo khẩu trang tránh lây nhiễm.
-Cần vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước và sau khi chăm sóc trẻ.
-Phụ nữ đang mang thai tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
-Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Đối với trẻ nhỏ nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
-Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch. Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng.
-Trẻ nên sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa.
-Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, uống nhiều nước.
-Vệ sinh vùng mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
-Lưu ý để nốt phỏng tự vỡ, tránh làm vỡ các nốt phỏng vì sẽ để lại sẹo và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
-Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường theo hướng dẫn của bác sĩ.
-Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt phỏng nước nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
III. 5 biến chứng gây tử vong ở trẻ em do bệnh thuỷ đậu
1. Nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn
-Biến chứng nhiễm trùng da khi mắc thủy đậu là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện. Các nốt mụn thủy đậu bị trầy xước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.
-Dấu hiệu nhận biết của biến chứng thủy đậu là sốt dai dẳng, trên 38,5 độ trong vòng 3 ngày trở lên sau khi bắt đầu nhiễm thủy đậu. Các nốt mụn phát triển bất thường gây tổn thương diện tích da lớn, có thể bong tróc, sưng tấy, mưng mủ…
-Nếu các nốt thủy đậu bị nhiễm trùng không được xử lý kịp thời, người bệnh có thể bị sẹo lõm gây mất thẩm mỹ. Các nốt phồng rộp có thể mọc ở trong tai, gây viêm tai ngoài, viêm tai giữa. Nếu vị trí mọc trong họng hoặc niêm mạc miệng, các nốt mụn nhiễm trùng có thể gây biến chứng ảnh hưởng thanh âm, viêm họng, viêm thanh quản.
2. Viêm phổi
-Viêm phổi là biến chứng thủy đậu gây tử vong hàng đầu cho bệnh nhân.
-Tỷ lệ viêm phổi ở người lớn khỏe mạnh mắc thủy đậu cao gấp 25 lần so với trẻ em.
-Phụ nữ mang thai, người có tiền sử bệnh phổi hoặc hút thuốc khiến hệ thống miễn dịch bị tổn hại dễ bị biến chứng ảnh hưởng đến phổi hơn do thủy đậu.
-Triệu chứng thường xảy ra trong vòng một tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng ban đầu của bệnh thủy đậu như khó thở, sốt, ho, đôi khi là ho ra máu, đau ngực.
-Viêm phổi do thủy đậu có tỷ lệ suy hô hấp tương đối cao, vì vậy cần theo dõi, chẩn đoán và sử dụng các thuốc kháng virus và thuốc điều trị phù hợp.
3. Viêm não
-Viêm não là biến chứng thủy đậu nguy hiểm, thường gặp nhiều hơn ở người lớn, gây tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.
-Biến chứng thủy đậu này thường xảy ra sau khi người bệnh nổi mụn nước một tuần, bệnh nhân bị sốt cao, rối loạn tri giác, hôn mê và xuất hiện tình trạng rung giật nhãn cầu.
-Có từ 5 – 20% người bị viêm não do thủy đậu sẽ tử vong hoặc chịu những di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật.
4. Bệnh Zona thần kinh
-Zona thần kinh là biến chứng thủy đậu ở người lớn phổ biến. Nguyên nhân là sau khi chữa khỏi bệnh, virus gây bệnh thủy đậu không đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể mà âm thầm trú ẩn trong các hạch thần kinh. Khi gặp các yếu tố thuận lợi như người bệnh tuổi cao, suy nhược cơ thể, suy giảm sức đề kháng…, siêu vi sẽ tái hoạt động sau nhiều năm gây ra bệnh zona thần kinh, hay dân gian gọi là giời leo.
-Người mắc zona thần kinh gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt và cột sống vì các nốt mụn nước gây ra các cơn đau dữ dội, lan dọc theo dây thần kinh.
-Bệnh zona cũng có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh đầu với các biểu hiện khô mắt, đau tai, ù tai, liệt một bên mặt, gây loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực, mù lòa.
Biến chứng thủy đậu để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh đối diện nhiều nguy cơ ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe vận động và tâm thần.
Để đặt lịch khám Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE 1900 633426 hoặc khám lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng AMAZ Care để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.